Shangri-La sở hữu nền văn hóa đa dạng và đặc sắc của nhiều dân tộc khác nhau
sinh sống, có tuổi đời hơn 1.300 năm. Đây cũng là một trong số ít khu vực tập
trung sinh sống của hầu hết người Tây Tạng từ lâu đời mà vẫn được bảo tồn cho
đến ngày nay. Đoan Trường đã có cơ hội thăm quan Shangri-La, nơi có cảnh sắc
thiên nhiên tựa chốn tiên cảnh nên được mệnh danh là “vùng đất của tình yêu và
sự thanh bình”. Ghé thăm nơi đây, nam ca sỹ đã không khỏi ngỡ ngàng trước
cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và hùng vỹ của vùng đất cao nguyên này.
Nằm trên một sườn núi cao 3.380m, tu viện Tùng Tán Lâm Tự là tu viện Phật giáo
Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, Trung Quốc, được xây dựng năm 1679, hiện là nơi
sinh sống của 700 tu sĩ và Lạt Ma.
Tu viện có kiến trúc khá giống với tu viện Potala, Lhasa tại Tây Tạng, nên còn gọi
là Potala thu nhỏ. Tu viện có cấu trúc đối xứng độc đáo, mang dấu ấn thời gian,
nhuộm vàng dưới nắng thu rực rỡ se se lạnh. Vé tham quan tu viện là 55 tệ
/người (gần 200 ngàn đồng).
Từ cửa tu viện đi lên khá nhiều bậc thang. Shangri-La nằm trên vùng cao nên
không khí rất loãng, đi một chút khó thở lại phải nghỉ mệt. Đoan Trường cho biết
anh phải hít thở thêm oxy khi chinh phục độ cao này.
Vào tu viện phải mặc đồ nghiêm túc. Trong khuôn viên bên ngoài, du khách có
thể chụp ảnh quay phim nhưng bước vào trong các tòa nhà thì không được
phép. Trong các tòa viện, khi bước vào và đi theo chiều kim đồng hồ vòng quanh
để tham quan theo lối đã định sẵn.
Thành cổ Độc Khắc Tông được xây dựng 1.300 năm trước và được bảo tồn khá
nguyên vẹn. Trong phát âm tiếng Tây Tạng có 2 ý nghĩa là “Thành Ánh Trăng” và
“Thành được xây trên tảng đá”.
Nơi đây có tháp Kinh Luân to nhất thế giới, cần đến 6-8 người góp sức để xoay
được tháp. Du khách đến đây quay tháp theo chiều kim đồng hồ, để cầu nguyện
may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Tại nhiều nơi ở Shangrila cũng
đều có các vòng xoay này.
Tại thành cổ này, người dân cứ mỗi tối luôn ra đây nhảy múa cùng nhau bất chấp
cái lạnh giá của thời tiết. Họ mặc quần áo dân tộc hoặc quần áo bình thường, đi
vòng quanh quảng trường và hát theo tiếng nhạc của mảnh đất quê hương.
Những điệu múa được biểu diễn một cách tự nhiên, như đã ăn sâu vào tâm hồn
của từng người.
Ẩm thực tại Shangri-La có khá nhiều món đặc trưng như trà bơ, rượu lúa mạch,
sườn bò, khô bò…được bán ở những quán ăn địa phương giản dị, đặc biệt được
du khách yêu thích chính là món lẩu bò Yak. Thịt bò vừa mềm lại vừa có chút dai,
giòn, nhúng trong nước lẩu cay cay giúp xua tan giá lạnh cao nguyên.
Dạo bước trong các tu viện mọi người sẽ được thả hồn vào không gian thanh
bình và linh thiêng của vùng đất Phật, sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm
nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng như những bức phù điêu được treo ở gian chính
trong tu viện hay những bức tượng phật được đúc bằng đồng tinh xảo.
Không chỉ được tham quan và chiêm ngưỡng nét đẹp tôn nghiêm của tu viện, du
khách còn có dịp hiểu hơn về văn hóa phật giáo Tây Tạng qua những chia sẻ của
các Lạt Ma, tu viện cũng là nơi lưu giữ những kinh sách cổ trên thế giới.
Shangri-La nằm ở ngã ba của 3 tỉnh Vân Nam , Tứ Xuyên và Tây Tạng . Shangri-La
là cửa ngõ duy nhất để vào Tây Tạng với 3 con sông song song được công nhận
là di sản tự nhiên của thế giới. Trong ngôn ngữ Tây Tạng, “Shangri-La” có nghĩa
là “mặt trời và mặt trăng trong trái tim”. Trong tiếng Anh, còn có nghĩa là “nơi xa
xôi và hấp dẫn”, còn trong tiếng Pháp có nghĩa là “thiên đường trần gian” và
trong tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung, nó được hiểu là “thiên đường”.
Do vậy, người ta cho rằng Shangri-La là nơi “gần thiên đường nhất”. Tuyên bố
này đã bao trùm một bức màn bí ẩn lên nơi đây khiến vùng đất Tây Tạng này
càng khác biệt hơn so với với Lệ Giang , Đại Lý hay Côn Minh. Đa phần những du
khách đến đây để thỏa mãn sự tò mò về một “Tiểu Tây Tạng” hay chỉ đơn giản vì
niềm tin về tôn giáo, trong đó có tôi, Đoan Trường.
Photo & video: Trần Thiên Ngọc
Trang phục: Veston Mon Amie, Áo dài Trần Được
Thực hiện: Bayon Travel
Discussion about this post